VIẾT RỜI VỀ TẬP THƠ “BA HOA THƠ TÌNH” CỦA NHÀ THƠ LUÂN HOÁN


        VIẾT RỜI VỀ TẬP THƠ “BA HOA THƠ TÌNH”   
                   CỦA NHÀ THƠ LUÂN HOÁN  
-         Phan Trang Hy

      Như là cái duyên của tôi đối với nhà thơ Luân Hoán, khi tôi đọc những bài thơ rời trên Facebook của anh cũng như trên trang mạng “Vuông chiếu Luân Hoán”. Dự định trong tôi sẽ viết chút chút về anh. Và may cho tôi, tập thơ “Ba hoa huê tình” như là chất xúc tác khơi dậy trong tôi để tôi có thể viết rời về tập thơ này.

      Nhan đề tập thơ có tên là “Ba hoa huê tình”. Ba hoa ở đây, theo tôi hiểu,  là dốc tướng, nói quá sự thật, có ý khoe khoang ta đây, dù chẳng được chút tí tẹo nào. Còn huê tình, có thể hiểu nôm na là chuyện tình trai gái, nam nữ có tính không nghiêm túc, đúng đắn. Như vậy, riêng tôi cảm nhận đề bài tập thơ đã thể hiện được chút đùa vui của người “thất thập cổ lai hy”, coi như những gì viết ra là cười cợt với chính mình nhằm mua vui cùng thiên hạ. Và khi đọc LỜI CHÀO HÀNG của nhà thơ Luân Hoán về tập thơ “Ba hoa huê tình” trên Facebook, tôi thấy mình phần nào cũng cảm nhận được cái hồn của tập thơ như anh đã “thú nhận”: “…Thoạt đầu tôi dự định in những bài gọi là thơ tình vớ vẩn, ba trời ở cách viết, nằm ngoài sự cho phép của thi ca. Những bài này gợi nghĩ về những vật thể tình dục, sinh hoạt chăn chiếu... nên tôi chọn tên sách là Tà Ma Đôi Điệu Huê Tình. Tiếc là tôi còn biết sợ. Trước nhất là sợ với vợ con và tiếng đời mơ hồ sau đó. Nên tôi chơi giải pháp dung hòa thanh tục, vốn cũng là bản sắc của đa số con người. Tập thơ do đó có tên nhẹ hơn: BA HOA HUÊ TÌNH”…
      Quả thật cái nhan đề ấy đã bộc lộ được cái tôi của con người, trong đó có nhà thơ Luân Hoán. Theo S. Freud, tính cách con người có mang tính dục (libido). Tính dục ấy làm rõ cái tôi. Cái tôi ấy vừa chứa cái nó và cái siêu tôi. Và trong cái nhan đề “Ba hoa huê tình”, tôi cảm nhận và tin là Luân Hoán đã thể hiện chất người hơn bao giờ hết là nhờ “biết sợ”. Chính “biết sợ”, con người mới là người thiện lương. Chính “biết sợ”, nhà thơ mới có những câu thơ không thô tục. Xin cảm ơn cái sợ đáng yêu đầy chất thi sĩ để có “Ba hoa huê tình”!
      “Ba hoa huê tình” là thứ ba hoa ngẫm đi ngẫm lại chẳng chết ai. Cái thứ ba hoa dành cho gái, cho em sao mà đáng yêu đến vậy! Theo tôi nghĩ, thứ ba hoa này chỉ làm cho mấy “nường” “sướng rêm mé đìu hiu” khi được nghe lời thầm thì bên tai, khi được thi sĩ khen lấy khen để. Thử đọc 4 câu sau: “vắng em thơ thiếu linh hồn/ dù em linh hiển cõi chôn sống người/ rước em về quản lý tôi/ làm vua làm tớ tùy thời yêu nhau”, để thấy lời ba hoa đâu chỉ mua vui, mà qua đó là lời khen thật, lời thật tình khi yêu, khi nên duyên chồng vợ. Người yêu nào, người vợ nào không sướng cái bụng khi có người yêu, người chồng nịnh như vậy?
      Đọc tập thơ, tôi còn bắt gặp nhà thơ ba hoa về những lần Kiều đánh đàn. Đặc biệt lần Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, nhà thơ như thấu cái lòng Kim Trọng. Tưởng là “ba hoa chích chòe” cho vui, ai ngờ viết đúng tim đen của thằng con trai, viết trúng phóc cái bản năng của giống đực đang cố kìm nén libido: “đàn lòng trổ từ ngón hoa/ nhịp tim vỗ cánh chim qua cõi đời/ thương chàng Kim Trọng lặng ngồi/ sầu theo không dám hít hơi vào lòng”.
      Khi nói đến Kim Trọng, tôi lại nhớ đến Truyện Kiều. Và đâu thể nào quên được khi Nguyễn Du viết về Thúy Kiều đẹp lạ đẹp lùng khi buông bỏ xiêm y: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Còn trong “Ba hoa huê tình”, Luân Hoán lại viết: “khi em buông bỏ xiêm y/ không riêng thi sĩ ta quỳ trước hoa/ chính thượng đế tạo em ra/ cũng sững chừng trước nõn nà tinh khôi”. Thật là đã con mắt trước “tòa thiên nhiên” cũng như “trước nõn nà tinh khôi”!
      Một thời, người yêu thơ biết được nhiều hình ảnh ẩn dụ, liên tưởng đến sinh thực khí nữ. Hồ Xuân Hương đắc địa với hình ảnh “quả mít”. Hàn Mặc Tử kỳ diệu với hình ảnh “cái khuôn vàng”. Bùi Giáng cà chớn với câu thơ Mai sau còn một tí gì/ Ấy là khu vực nhu mì của em”. Còn trong “Ba hoa huê tình”, đó là “vùng cỏ hoa”: “mời em lên ngựa phiêu bồng/ giữa mây thái cổ trời trồng thanh xuân/ nghìn thu lưng nối nghìn trùng/ búp sen em nắm thơm vùng cỏ hoa”. Hoặc đó là một địa danh cụ thể “cửa Thượng Tứ”: “danh xưng để trên vọng lâu: Đông Nam Môn cửa đã lâu quên dùng/ dân gian gọi một tên chung/ cửa Thượng Tứ quan quân ra vào/ em, “Con Ngựa Thượng Tứ” sao?/ tôi lên yên giữa chiêm bao nhiều lần/ đã xa ngàn dặm phù vân/ vẫn còn phảng phất hương trầm Huế em”. Và ba hoa nhất có lẽ là hình ảnh “càn khôn” để chỉ cái ấy: “vành trái đất ấm mặt trời/ tay chân em mở tuyệt vời càn khôn/ ta hạt nguyên tử bồn chồn/ bay quanh chưa chắc chỉ còn đầu lâu”.
      Viết rời như vậy, quả là tôi cũng ba hoa chi chướng như hòa điệu cùng nhà thơ Luân Hoán. Mong là đem chút vui đến với bạn đọc được chừng nào hay chừng đó. Và tôi tin một điều, khi đọc “Ba hoa huê tình”, các bạn sẽ thấy được một Luân Hoán “viết vậy, nhưng không phải là vậy, mà là vậy”.

       Tháng 12/ 2019
       P.T.H