Ứng phó với quy chụp tư tưởng văn học

Phan Trang Hy
nguồn http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/ung-pho-voi-quy-chup-tu-tuong-van-hoc-ky-4.html

Tác phẩm văn học là thành quả của nhà văn. Thế nhưng, thành qủa đó có lúc bị kẻ khác quy chụp tư tưởng. Hầu như ai cũng thừa nhận quy chụp tư tưởng đối với một tác phẩm là hành động của kẻ cả, là thái độ của anh chồng ghen bóng ghen gió, là tính đa nghi của Tào Tháo trong việc hành xử phụ người.
Việc quy chụp tư tưởng đối với một tác phẩm văn học giống như con ếch, khi ra  khỏi giếng, vẫn nghênh ngang, nhâng nháo coi trời bằng vung; chẳng khác chi Dế Mèn huyênh hoang, tự phụ coi trên đời chẳng có ai. Rõ ràng việc quy chụp như vậy không thể không ảnh hưởng đến tác giả và tình hình sáng tác. Đối với tác giả, có thể có kẻ nãn chí, an phận. Nhưng cũng có người coi đó là sự thử thách bút lực của mình. Còn tình hình sáng tác, sáng tạo nghệ thuật bị xáo trộn: có thể có những tác phẩm được sản xuất đại trà, công thức như những gói mì tôm, những băng vệ sinh, những tờ quảng cáo rơi vãi. Hoặc, có thể tình hình “im ắng”? Hoặc cáo chung!
Để ứng phó với quy chụp tư tưởng văn học, theo tôi nghĩ các nhà văn phải thích nghi để phòng, chống như người dân Việt phải thích nghi và phòng, chống bão dữ vì từ bao đời nay sự chụp mũ là điều khó tránh. Cái nghiệp sáng tạo văn chương là vậy! Do thế, cần phải viết sao cho hay hơn, viết bằng cái tâm của người cầm bút. Bên cạnh đó, nhà văn lên tiếng, yêu cầu người có trách nhiệm phải vào cuộc, phải vì nền văn học nước nhà sao cho phong phú, đa dạng. Các nhà văn, vào Hội hoặc không, chuyên nghiệp hoặc không chuyên, trẻ hoặc già, cần tôn trọng sự sáng tạo của nhau, đoàn kết cùng nhau để tạo nên sức mạnh của nền văn học Việt, đó chính là động lực giúp các nhà văn vượt qua thế lực trù dập, chụp mũ ẩn núp đâu đó.
Còn đối với những người có trách nhiệm, theo tôi, có thể đó là nhà xuất bản, là các tổ chức, là biên tập, là nhà phê bình, là bạn đọc… cần tỉnh táo, sáng suốt, cần có con mắt văn chương khi đánh giá tác phẩm văn học. Đừng lấy sự tâng bốc, lời nịnh nọt, chuyện dối trá, mê hoặc lòng người để thẩm định tác phẩm. Đừng vì nhân vật, chi tiết, sự kiện, tình tiết trong tác phẩm văn học có vấn đề nào đó mà ta không ưa, không thích để rồi chụp mũ tác giả. Phải thấy tác phẩm văn học mang cái tôi của nhà văn. Cái hay của tác phẩm, chính có cái tôi đó. Do vậy, không thể có cái tôi chung chung, cái tôi của những robot được sản xuất hàng loạt xuất hiện trong từng tác phẩm cụ thể, trong từng nhà văn, trong từng những người có trách nhiệm.
Cả nhà văn, toà soạn báo chí lẫn những người có trách nhiệm phải đủ tầm, đủ lực, phải lên tiếng, phải tranh luận nhằm ứng phó trước những cơn gió dữ đang muốn cuốn phăng những đứa con, những ngôi nhà văn học. Chính mỗi nhà văn và những người có trách nhiệm phải tạo sự an toàn cho chính chúng mình trước những cơn bão dữ.

Năm 2013
Phan Trang Hy