ĐI TÌM ẨN Ý VĂN CHƯƠNG TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “PHÓNG SINH CHỮ NGHĨA” CỦA NHÀ VĂN PHAN TRANG HY

ĐI TÌM ẨN Ý VĂN CHƯƠNG TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “PHÓNG SINH CHỮ NGHĨA” CỦA NHÀ VĂN PHAN TRANG HY

-        HOÀNG THỊ THU THỦY 

Nhà văn Phan Trang Hy tên thật là Phan Thanh Bình, anh gửi tập truyện ngắn “Phóng sinh chữ nghĩa” tặng tôi như là quà tặng năm mới (năm 2019), dù tôi chưa biết gì về anh. Trân quý quà tặng từ “đứa con tinh thần” của anh, tôi nhận ra nếu anh “phóng sinh chữ nghĩa”, thì tôi lại như người “mắc nợ chữ nghĩa”.



Nếu nói truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ, nếu không thì sự tác động của nghệ thuật sẽ mất sức mạnh; thì với tập truyện ngắn của anh, tôi không chỉ đọc liền một mạch, mà có truyện phải đọc đến lần thứ hai, lần thứ ba mới hiểu hết cái ẩn ý văn chương được ẩn giấu trong ngôn từ, chữ nghĩa. Trong cái nhìn tự sự với cuộc đời hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người; nhà văn Phan Trang Hy có xu hướng nhìn sâu vào nội tâm của mình để lý giải cái thường nhật gây nên những xúc cảm vui buồn của con người. Cho nên, càng đọc, tôi càng nhận ra, tập truyện ngắn “Phóng sinh chữ nghĩa” có xu hướng tự truyện nhiều hơn.

Và nếu bạn quen đọc thể loại truyện ngắn với kết cấu tương phản, thì bạn sẽ lướt qua những trang văn đầy ẩn ý của anh; bởi anh chú ý đến cách kết cấu liên tưởng nhiều hơn. Đặc biệt, nhà văn không chú ý lắm đến cách tổ chức cốt truyện cho thật nổi bật, gây sốc như kiểu “Chí Phèo” của Nam Cao, hay “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư… Nhà văn chú ý đặc biệt đến hành văn mang ẩn ý để tạo cho tác phẩm chiều sâu chưa nói hết. Truyện ngắn đầu tiên (và tác giả lấy tên cho tập truyện) “Phóng sinh chữ nghĩa” viết về hình ảnh con cá la hán với những dòng chữ hiện hình trên mình con cá, mà ở mỗi người, mỗi góc nhìn cho ra mỗi kiểu mẫu tự khác nhau: chữ Quốc ngữ, chữ Ả Rập, chữ Hán… Ẩn ý văn chương đáng để suy ngẫm. Câu chuyện phần nào lý giải chiều sâu văn hóa trong nhà văn với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc bắt đầu từ chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì sao một câu hát của Nhạc sỹ Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” mà được một công ty truyền thông trả đến trăm triệu. Vì sao câu nói của Phạm Quỳnh được khắc vào trước bia mộ của ông: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Lời kể của tác giả nhẩn nha từ sự biến hình trên lưng con cá về chữ nghĩa với cái nhìn của từng người, sức liên tưởng thật mạnh về nghĩa đen, nghĩa bóng, về nhân sinh thế sự… và rồi cậu em đã phóng sinh nó, đó cũng là phóng sinh chữ nghĩa vì sợ liên lụy. Chiều sâu văn chương chính là ở đó. Văn là người, khi nhà văn viết ra những suy tư của mình về ngôn từ chữ nghĩa, từ chuyện yêu tiếng Việt, chống sự Hán hóa, đến chuyện “văn tự ngục” - “cậu sợ liên lụy chữ nghĩa” (tr.14) thì đó chính là những chi tiết có dung lượng lớn, gợi liên tưởng: một tờ giấy không thể đập chết một con ruồi, nhưng một trang văn có thể giết chết một con người.

Ám ảnh về ngôn từ, về họa văn chương còn thể hiện qua truyện ngắn: “Blogger sợ chữ”. Cùng với sự bùng nổ Internet, con người có nhiều kênh thể hiện chính kiến và cái nhìn của mình trước thế sự, cuộc đời, ngoài các trang báo, các trang mạng xã hội trở thành nơi gửi gắm tâm hồn nghĩ suy của họ. Viết blog cũng là cách con người tự do bày tỏ nghĩ suy của mình mà không sợ sự kiểm duyệt. Đúng là có những lúc, bạn muốn biết sự thật thì hãy tìm về Blog, hay Facebook. Có thể sự thật đó chưa được trau chuốt, còn xù xì, thậm chí còn tự nhiên chủ nghĩa; nhưng khi viết về nó, người viết muốn đến gần hơn cái “chân” trong các phạm trù mĩ học: “chân, thiện, mĩ”. Có lần phản biện cho một đề tài nghiên cứu khoa học của một Giảng viên Tiến sĩ về nghiên cứu nhà văn Lưu Quang Vũ, tôi đã hỏi một câu: Tại sao các sáng tác của nhà văn Lưu Quang Vũ ở thời điểm đó như một quả bom tấn giữa văn đàn… Và rồi chính tôi đã trả lời giúp bạn ấy rằng: vì con người khát khao đến với sự thật, nên những tác phẩm như: “Vụ án hai ngàn ngày”, “Ông không phải là bố tôi”, “Hồn Trương ba, da hàng thịt”… đã khiến người đọc giật mình về cái sự thật được phản ánh chân thực qua hình tượng văn chương. Vào lúc này, cách thể hiện sự thật đã quá dễ dàng qua báo chí, truyền hình, cộng đồng mạng… nhưng vào những năm 80 của thế kỷ 20, thì văn của Lưu Quang Vũ quả là “một quả bom tấn”.

Những ý nghĩ “vụn” được sắp xếp khá lý thú trong truyện ngắn “Đếm ngược”, cái nhìn của nhà văn khách quan trong mỗi hiện tượng, con người; chỉ là miêu tả, chỉ là tái hiện cái lố lăng, kệch cỡm từ những mẩu đời, những con người, rồi chuyện sống chết của mỗi nhân vật; khi con người chưa ý thức hết sự đổi thay chóng mặt của thời cuộc thì có những cái kết thật bi hài. Đọc “Một” trong truyện, cảm giác như gặp lại “Cô Kếu, gái tân thời” của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Truyện “Đếm ngược” không thành chuyện mà là những mảnh ghép rời rạc, mỗi mảnh ghép là một câu chuyện đáng để cho độc giả suy ngẫm. Phải chăng đây chính là cách viết của “chủ nghĩa hậu hiện đại”?

Trong truyện “Vũ điệu bikini”, bi kịch giữa hào quang và bóng tối chỉ cách nhau một lằn ranh thật mỏng manh, hình ảnh Hoàng Chi trong hào quang sân khấu và trong sự cô đơn vì bệnh tật, thật đáng thương; câu hỏi cuối truyện vẫn là “Đâu là sự thật?”. Nhiều khi con người không biết tự nhìn về mình một cách sâu sắc thì sẽ trượt dài trong hào quang và đến khi nhận ra thì bóng tối đã che lấp tất cả.

Câu chuyện “Tắc đường” được viết tỉ mỉ về “hắn” trong dòng xe cộ, hắn về nhà trễ… ngỡ như nhà văn đang lý sự về câu chuyện “giờ giấc” của người Việt Nam, về thói quen không đúng giờ, về cái sự “tắc đường” như cơm bữa, đọc xong chuyện mới giật mình: “Trời ơi! Chỉ tại cái đám ma quan lớn”.

Đọc hai chuyện ngắn “Vũ điệu bikini” và “Tắc đường”, bất chợt ta nhớ về lối kết cấu khá phổ biến của thể loại truyện ngắn là: khiến người đọc khi đọc truyện ngỡ như đang đi trong hầm tối, đột nhiên đèn bật sáng, và nhận ra ý tứ sâu xa đằng sau câu chữ.

Mượn nghệ thuật “giả cổ tích”, tác giả viết câu chuyện “Có hậu” để ngầm nhắc nhở với người đọc về lối sống của chúng ta với bạn bè, với những người thân quen. Cốt truyện không mới, nhưng cái mới là ở lối viết tỉ mỉ, tường thuật cụ thể và mơ ước một sự hòa thuận của cả hai gia đình bởi tình yêu của đôi trai gái, phải chăng bi kịch “Romeo – Juyliet” của Sêxpia vẫn còn trong ký ức của nhà văn Phan Trang Hy?

Truyện thiên về tự truyện trong các câu chuyện “Chuyển kiếp”, “Giấc mơ sách bút” “Bức thư thời áo trắng”… với giọng văn nhẹ nhàng, tha thiết, có gì đó như luyến tiếc, như tự sự với chính mình và trong mỗi hình ảnh, mỗi ý tứ đều chứa đựng giá trị nhân văn. Hướng thiện, hướng về cái đẹp, lưu luyến kỉ niệm… cũng là cách để con người sống tốt hơn.

Trong những năm gần đây, cùng với sự bành trướng về thương mại là sự xâm lấn của Trung Quốc cả ở lục địa và biển đảo, hơi thở thời đại in đậm dấu ấn trong văn của anh, đề tài trở đi trở lại trong tập truyện ngắn của anh là đề tài về biển đảo. Có đến 5 trong số 17 truyện viết về biển đảo. Là công dân Việt, ai cũng mang trong mình dòng máu quật cường của dân tộc, chống Hán hóa đến cùng; lịch sử giữ nước của cha ông là những trang hào hùng chống Bắc thuộc, chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh… nên tinh thần đó đã ăn sâu trong ý thức của nhà văn. Các câu chuyện đều thể hiện ý thức về sự cống hiến của tuổi trẻ với Trường Sa, Hoàng Sa; nếu như những truyện ngắn viết về thế sự, cây bút của nhà văn tung hoành trong cái nhìn thấu đáo về mỗi sự việc, hiện tượng; thì với mảng đề tài về biển đảo, lối viết của anh thiên về tính luận đề nhiều hơn. Bởi lẽ, khi người cầm bút ở giữa trận chiến sẽ khác với việc viết về các trận chiến qua các thông tin và ký ức của người ra trận. Đây cũng là đặc điểm chung của văn học thời bình. 

Trong số những câu chuyện đó, tôi thực sự xúc động khi đọc chuyện “Vòng ký ức tháng ba”, tôi như thấy trận Gạc Ma năm nào, qua hồi ức của người lính – thương binh – người lính sống sót giữa vòng vây của đạn thù, bên tai còn văng vẳng câu nói của đồng đội: “Anh Hải!... Hãy… trả… thù… cho… em!”; cái đau đớn, cái day dứt đó đã đi vào những bức vẽ của người lính và giải thưởng đặc biệt về tranh vẽ biển đảo quê hương đã gần như tái hiện lại tất cả. Nhân vật tôi trong chuyện đã trở thành tri kỉ, tri âm với người lính đảo, bởi mỗi bức tranh anh vẽ đi dự thi triển lãm, chính “tôi” là người chở anh đi tham dự. Người thương binh, tàn mà không phế, anh đã dùng tâm lực của mình để vẽ nên những bức tranh tuyệt tác, và mỗi bức tranh là một lời nhắc nhở với chúng ta về những hi sinh mất mát của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo.

     Dù ở ngôi thứ nhất (tôi) tăng thêm tính chân thực, hay ở ngôi thứ ba (hắn) tăng thêm tính khách quan, thì người đọc cũng nhận ra giọng văn nhất quán trong tập truyện ngắn “Phóng sinh chữ nghĩa” của nhà văn Phan Trang Hy.

     Giọng kể của anh nhẩn nha, chậm rãi, mà mỗi chuyện như một bức tranh sinh động về đời thường, về khát vọng và bi kịch của sự pha trộn, đổi thay giữa cái truyền thống, cái hiện đại; cái lỗi thời, cái tân thời… Đọc văn anh, bạn sẽ nhận ra cái giọng nhẹ nhàng, từ tốn, ôn tồn mà lắng sâu; không châm biếm sâu cay, không chứa đựng cái ẩn ý với sự bực bội không kiềm chế; dường như tất cả hiện thực anh tái hiện đều được lắng lọc qua tâm hồn anh, anh đã giữ lòng mình thanh tĩnh, vô vi khi viết văn, quả là một hiện tượng hiếm có. Văn chương của anh không có cái buồn man mác như kiểu Thạch Lam, nhưng có cái nhìn thương cảm như Thạch Lam, bởi vậy nếu so sánh truyện ngắn của anh với truyện ngắn của Thạch Lam thì thật là khiên cưỡng; nhưng chắc chắn bạn đọc sẽ thích đọc văn của anh, bởi nó nhẹ nhàng mà lắng sâu, bởi tình cảm chan chứa mà vẫn viết bằng cái giọng bình thản. Tập truyện ngắn là những mảnh ghép về cuộc sống bộn bề hiện nay và nỗi lòng đau đáu với biển đảo quê hương. Truyện ngắn của anh đã góp phần vào sự phong phú về thi pháp thể loại của truyện ngắn Việt Nam đương đại.

                Huế ngày 16/5/2019

              TS. Hoàng Thị Thu Thủy

              0914020511

              253/3/15 Điện Biên Phủ