Nguyễn Minh Nữu và “Lời ghi trên đá”


Nguyễn Minh Nữu và “Lời ghi trên đá”
PHAN TRANG HY

nguồn https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24760



      Trung tuần tháng 10/ 2018, tôi có dịp tham gia cùng các văn hữu của Quán Văn, chu du vùng sông nước miền Tây, nước Việt. Phải nói rằng, đây là dịp tôi được biết thêm và gặp một số người mà tôi từng đọc trên văn đàn. Hôm tham dự buổi họp mặt mừng sinh nhật lần thứ 7 tập san Quán Văn, đồng thời phát hành QV số 59 chủ đề “Mùa nước nổi” và chân dung văn học: nhà văn Trịnh Bửu Hoài, tổ chức ngày 16-10-2018 tại café Cội nguồn, số 40 đường Lam Sơn, phường 6, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, tôi có dịp gặp anh Nguyễn Minh Nữu.

       Và chúng tôi trò chuyện. Rồi quanh đi quẩn lại cũng chuyện văn chương. Theo cảm nhận riêng tôi, anh như muốn cất tiếng lòng để khẳng định mình có mặt trên cõi trần gian này, mong lời của mình thổ lộ như lời ghi trên đá. Cũng chính như thế, tôi có đôi lời bày tỏ chút tình của mình đối với anh qua bài thơ “Lời ghi trên đá”, cũng là tên tập thơ do nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty Phương Nam phát hành năm 2006.
      Bài thơ được lấy tên đặt cho cả tập thơ, theo tôi, đó là những gì cô đọng nhất của từng nhà thơ, được giãi bày qua từng con chữ, và anh cũng vậy. Cái tôi của nhà thơ có dịp phô trương, có dịp khoe cùng người đọc. Không thể không phơi bày khi cái tôi của nhà thơ “như không như có” luân hồi trong cõi nhân gian:
         “Tôi đến đây từ một tình cờ
         Và sẽ ra đi rất bất ngờ
         Ký thác chút tình vào vĩnh cửu
         Ghi trên hòn đá cuội vu vơ”
      Con người sinh ra trên cõi đời này đều có căn nguyên duyên nghiệp. Tôi nhớ đâu đó có người nói “Trời sinh ra ta có ý”. Và Nguyễn Minh Nữu cũng thế. Được sinh ra là để ghi lại lời trên đá. Mới đọc câu thơ “Tôi đến đây từ một tình cờ/ Và sẽ ra đi rất bất ngờ”, ban đầu, tôi nghĩ, không lẽ anh sinh ra trên đời này là tình cờ duyên khởi bởi tình yêu của mẹ cha? Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng, anh đã được sinh ra ở trần gian này, và rồi trong cuộc ngao du cùng thơ ca, anh đến với văn nghệ như một sự tình cờ. Và có lẽ, khi từ giã nó, theo tôi, cũng bất ngờ. Khi đọc khổ thơ này, tôi liên tưởng đến ca khúc “Ngẫu nhiên” của Trịnh: “Không có đâu em này/ Không có cái chết đầu tiên/ Và có đâu bao giờ?/ Đâu có cái chết sau cùng?”
      Đến tình cờ và đi bất ngờ, như thoáng qua, nhưng rồi vẫn khát khao có chút tình góp mặt: “Ký thác chút tình vào vĩnh cửu/ Ghi trên hòn đá cuội vu vơ”. Rõ là khát khao của anh quá lớn. Không lớn sao được khi tình được ghi trên đá! Ghi trên đá có tồn tại cùng thời gian? Biết là mọi điều rồi cũng sẽ qua, mọi lời dễ gì tồn tại: “Đã có hàng triệu lời như thế/ Nhạt nhòa khắp những bãi hoang vu”. Biết là vậy, nhưng không thể không ghi những gì chân thật của cõi lòng trước cái vô cùng của vũ trụ:
         “Tôi đến đây và ghi dấu đây
         Biết trước chỉ trong một phút giây
         Cái vô cùng của rất vô cùng đó
         Xóa sạch đi bằng cơn gió bay”
      Rồi mọi thứ cũng sẽ qua theo thời gian. Chỉ có khát khao vẫn cứ ám ảnh trong lòng của nhà thơ thời hiện tại. Ám ảnh đến độ phải thốt lên:
         “Tôi làm gì được, làm sao được
         Khi thật lòng trân trọng lúc này”
      Lúc này đây là lúc được hiện hữu giữa chốn trần ai. Được sống hết mình trong cõi thơ ca cùng bằng hữu, cùng trải lòng với bạn văn chương. Điều đó chính là nỗi khao khát của bao người thơ để rồi cứ khát khao thèm được trong cõi luân hồi để làm lại những gì mình khao khát:
         “Chắn chắn ngày sau tôi trở lại
         Vẫn trên bờ cũ, chỗ này đây
         Làm lại những điều làm trước đó
         Rồi hân hoan chờ đợi gió tung bay”
       Câu thơ cuối của bài “Rồi hân hoan chờ đợi gió tung bay” là sự chờ đợi trong niềm vui sướng. Vui sướng bởi lời được ghi, bởi gió tung bay cuốn hết những phiền não, hận thù. Có chăng còn đọng lại ân tình, nhân nghĩa. Trong một bài văn mà tôi đã đọc, đó là bài “Lỗi lầm và sự biết ơn” (theo “Hạt giống tâm hồn”, tập 4, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2004) khép lại với thông điệp: “… Hãy học cách viết những nỗi buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”. Có phải chăng lòng nhà thơ vui sướng bởi lòng ngộ được cõi luân hồi theo nghĩa thủy chung?
      Bài thơ viết theo thi pháp nghệ thuật thời gian. Có trước, có sau. Có hiện tại, có tương lai. Theo vòng quay của tạo vật. Chính thời gian sẽ chắt lọc những lời được ghi trên đá. Hy vọng rằng, những tâm tình của nhà thơ Nguyễn Minh Nữu qua thời gian sẽ được ký thác, khắc ghi:
         “Ký thác chút tình vào vĩnh cửu
         Ghi trên hòn đá cuội vu vơ”
      Mong là vậy!

Tháng 10/ 2018
Phan Trang Hy