TRĂN TRỞ CÙNG TÁC GIẢ "PHÓNG SINH CHỮ NGHĨA" - TRẦN TRUNG SÁNG

nguồn http://cadn.com.vn/news/68_194716_tran-tro-cung-tac-gia-phong-sinh-chu-nghia-.aspx


      “Phóng sinh chữ nghĩa” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Phan Trang Hy do NXb Hội Nhà văn vừa ấn hành. Với 17 truyện ngắn sáng tác trong những năm gần đây, gồm nhiều nội dung trăn trở về cuộc sống, con người và đặc biệt tình yêu biển đảo, quê hương đất nước, tác giả đã đem đến người đọc không ít những cảm xúc trăn trở, bồi hồi...


      Liên quan nặng nợ đến chuyện chữ nghĩa còn là truyện ngắn "Blogger sợ chữ". Đó là truyện về tên trang mạng Blogger sợ chữ. Rõ ràng tay chủ blog này là tay sính chữ nghĩa, ham lý luận. Và rồi theo địa chỉ mail có trên trang Blogger sợ chữ, nhà văn đã liên lạc với chủ nhân. Thật bất ngờ, sau nhiều lần trao đổi email, tác giả nhận được cuộc hẹn với chủ nhân Blogger sợ chữ thì chợt nhận ra đó là một cô gái trẻ đẹp. Tuy nhiên, cô ta xuất hiện nói nhanh, rồi đi cũng nhanh, chỉ để lại lời nhắn loáng thoáng: "Ông có biết căn bệnh thiếu tim, thiếu óc rồi chứ gì?”. Từ đó về sau, tác giả không còn liên lạc được cô gái ấy. Ngoại trừ một email có đoạn: "Không thể dối trá với lòng mình. Không thể dối niềm vui, nỗi buồn của mình được. Không thể trá đen thành trắng được. Thôi thì cứ viết ra, gửi cho bạn bè, người thân, hoặc lập blog, thả lửng trên mạng... Có thể trăm năm sau, hoặc lâu hơn nữa, hậu thế không biết tôi là ai, nhưng có thể ai đó đọc bài của tôi, sẽ biết có một thời... Thôi thì thả lửng chữ trên mạng... Xin bạn thông cảm cho tôi. Blogger sợ chữ". Và tác giả tự hỏi: Không biết mình có là kẻ sợ chữ không?
      “Phóng sinh chữ nghĩa” cũng là tên gọi truyện ngắn đầu tiên của tập sách, mà thoáng qua nhiều người dễ lầm tưởng đây là một tiểu luận văn học. Thực ra đó là câu chuyện với nhiều tình huống xoay quanh việc chơi cá cảnh: "Cá cảnh đắt giá lên tới 5, 7 triệu đồng một con, chớ đâu có phải củ sắn luộc đâu. Bằng cả tháng lương của tôi, chớ chẳng chơi đâu. Chưa hết, ngoài chuyện lo cho cá ăn, làm vệ sinh hồ, gắn ống ôxy, lọc nước, còn biết bao công đoạn phức tạp. Mà những việc ấy đối với tôi như là cực hình vì thời gian đâu nhàn nhã". Và con cá cảnh ở đây là cá la hán. Trên thân nó hiện lên dòng chữ. Mỗi bên có bốn chữ thì phải. Chữ ẩn hiện như thư pháp. Lúc thấy như chữ Quốc ngữ, lúc như chữ Hán, lúc thì như chữ Ả-rập... Thậm chí, có lúc thấy cả dòng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa", "Tổ quốc Việt Nam", rồi đến các chữ "Bản Giốc, Cà Mau", "Con Lạc, Cháu Hồng"... Cứ thế, con cá la hán trổ mã, phát tín hiệu chữ nghĩa kỳ lạ, đến mức "ai nghĩ gì thì trên mình nó hiện ra chữ ấy". Cho đến một ngày kia, chủ nhân của nó "sợ liên lụy chữ nghĩa, nên cậu phóng sinh để cầu an".
      Một số truyện ngắn mang nội dung phê phán các vấn đề tiêu cực, các thói hư tật xấu, đáng chú ý như: “Đếm ngược”, một truyện ngắn thể hiện theo bố cục "...5, 4, 3, 2" như chính đầu đề của nó. Nội dung mang ẩn ý phê phán nhóm người lớn tuổi mang bệnh "già không đều", thích "cưa sừng làm nghé" hoặc chạy theo lối sống thực dụng, phù phiếm... để rồi cuối cùng nhận lấy một kết cục bi đát. Truyện “Hát giữa trần gian” phê phán về những người bon chen ngụp lặn trong cơn lốc bất động sản nhốn nháo hiện nay, dẫn đến tai ương sống trong tâm thế dật dờ. "Y trở thành một con người lạ lẫm ở cuộc đời. Y nghêu ngao hát giữa trần gian... Y hát về cõi viển vông giữa trần gian...".
      Trong số 17 truyện ngắn của tập "Phóng sinh chữ nghĩa", nổi bật đậm nét hơn cả với tác giả Phan Trang Hy là đề tài biển đảo quê hương. Điển hình nhất là các truyện ngắn: “Đau đáu Hoàng Sa”, “Đảo gọi”, “Cơn mơ biển”, “Trăng Hòa Vang vẫn thế”, “Vòng ký ức tháng ba”, “Mơ về lại Hoàng Sa”... Ở “Đau đáu Hoàng Sa” có đoạn: "Lão vẫn nặng nợ với đảo. Đảo là nhà, là phần cuộc sống của lão. Những lúc thương con, nhớ vợ, lão chỉ biết ngồi trên bãi san hô nhìn vào đất liền. Làm sao lão quên được những hoàng hôn. Màu sắc kỳ ảo vàng đỏ tím xanh cả biển. Mặt trời lặn dần xuống biển như thể thiên nhiên đang cất giấu viên ngọc hồng vào trong rương vũ trụ. Chỉ còn thứ ánh sáng diệu kỳ trên biển. Và trong lão sáng lên thứ ánh sáng của đêm, thứ ánh sáng gia đình, quê hương...". Ở “Đảo gọi” có đoạn: "Cầu Trời giúp đỡ, chở che cho người dân chài chúng con ra khơi đánh cá. Cầu cho sóng yên biển lặng. Cầu cho ngư trường tận Hoàng Sa nhiều cá để dân được no đủ". Ở “Giấc mơ sách bút”, tưởng là câu chuyện đèn sách đời thường, song vẫn ẩn chứa trong đó nỗi niềm trăn trở khôn nguôi: "Giấc mơ như những con sóng vỗ bờ, như tiếng lòng của dân Việt, như máu thịt của bà con Lý Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê...”
      Nhận xét về tập truyện “Phóng sinh chữ nghĩa”, nhiều bạn đọc cho rằng, thâm trầm, sâu sắc thì đúng là Phan Trang Hy rồi, nhưng gai góc thì hơi khác vẻ hiền lành của anh. Tự giới thiệu về tác phẩm của mình, nhà văn Phan Trang Hy vắn tắt: "Nhiều truyện của tôi đều có dính dáng đến Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Coi như những tên gọi đó là một phần tình cảm của tôi với cuộc đời này. Còn nghĩ suy về thân phận con người cũng có ở trong các truyện: "Chuyển kiếp", "Vũ điệu bikini", "Hát giữa trần gian", "Làng cuồng mê", "Đếm ngược"...

TRẦN TRUNG SÁNG