Người Hay Là Những Cơn Mơ Mạo Danh - Tiểu thuyết của Phan Trang Hy
(Còn tiếp)
CHƯƠNG 2
Mụ chủ nhà ngồi thừ trên ghế. Mụ ngồi hồi lâu bất động. Rồi mụ thở ra. Hơi thở mụ phảng phất hương vị của trái khế non bị giập. Nước miếng mụ như ứa những vị chua thum thủm. Mặt mụ bị xị như cái bánh bao thiu. Mụ thẫn thờ khi cớ sự diễn ra mà mụ không lường trước được. Khi nghe mụ kêu cứu, hàng xóm đã chạy tới đầy nhà. Họ chạy tới vì hiếu kỳ, muốn xem mẹ con mụ gây gỗ đánh nhau. Cũng lạ, khi có gia đình ai đó lục đục, đánh chửi nhau thì tưởng chừng cả xóm được xem diễn tuồng, diễn tích. Người nói, kẻ cười ra chiều thích thú. Có lẽ họ thích thú vì gia đình họ chưa xảy ra cớ sự không hay. Có lẽ họ thích thú vì họ nghĩ rằng họ cũng chưa đến nỗi gây lộn với người thân. Cũng có lẽ họ cho rằng chỉ có họ là những kẻ chưa vấy bẩn cái hàm hồ, nóng giận, càm ràm...
Mụ Ba nghe từng giọng cười của những kẻ đến xem. Lời xầm xì chỗ nọ, chỗ kia, rồi lan ra như dầu tràn, chỉ cần một chút lửa là có thể thiêu đốt tim mụ. Mụ nghe rõ lời ra, lời vào của hàng xóm. Nào là, mụ vô phước nên giờ mới mang nợ; có kẻ ác mồm ác miệng cho là mụ kiếp trước sống chẳng ra gì, nên giờ phải mang nghiệp chướng. Mụ có làm gì mắc lòng ai đâu mà họ nói những lời cay độc với mụ như thế. Mụ xót đau cho thân phận mình, thân phận của người cô thế, của kẻ đang gặp những cảnh ngộ không may. Miệng lưỡi thế gian mà! Có ai thương mụ đâu? Nếu có cũng chỉ là chót lưỡi đầu môi cho qua chuyện. Bây giờ họ đã về hết. Chỉ còn lại mụ cùng với Rớt đang nằm trên giường đằng kia. Rớt đã mê mệt. Hơi thở của cô lúc nhanh, lúc chậm. Mụ cảm thấy lo lo cho Rớt. Không biết nó có mệnh hệ gì không? Nhưng rồi mụ lại nghĩ từ ngày nó xấu thì nó chẳng ốm đau gì cả. Càng xấu như quỷ, nó càng khoẻ ra. Bệnh tật như tránh xa nó. Mụ lại yên tâm về Rớt. Rồi mụ nhìn chiếc tủ đứng. Rồi nhìn những mảnh gương vụn nát, mụ thầm tiếc: “Con mụ Rớt thật là đồ quỷ. Ăn hại thật! Không biết bao giờ mình đủ sức mua lại tấm gương đây? Của trăm ngàn chứ đâu phải ít”. Mụ tặc lưỡi tiếc. Mắt mụ nhìn Rớt nằm ở giường kia. Rồi mụ nhìn khắp căn phòng. Vẫn không gian này, mụ và Rớt từng ngồi chung bàn ăn cơm với nhau. Vẫn đằng kia là bộ bàn ghế mụ sắm để có chỗ tiếp khách. Và đằng kia nữa, chiếc ti vi như nằm im bất động, như thể không cất nổi tiếng nhạc, cất nổi lời ca. Chiếc ti vi ấy là cái giúp mụ cùng Rớt xem phim, để rồi cả hai bàn bạc. Hai người đã từng ao ước có cuộc sống an bình như những phim truyện được chiếu hằng đêm. Nhưng rồi, cuộc sống của họ như thể là trả cái nợ ở kiếp nào đó. Mụ thở dài.
Mụ Ba nghe từng giọng cười của những kẻ đến xem. Lời xầm xì chỗ nọ, chỗ kia, rồi lan ra như dầu tràn, chỉ cần một chút lửa là có thể thiêu đốt tim mụ. Mụ nghe rõ lời ra, lời vào của hàng xóm. Nào là, mụ vô phước nên giờ mới mang nợ; có kẻ ác mồm ác miệng cho là mụ kiếp trước sống chẳng ra gì, nên giờ phải mang nghiệp chướng. Mụ có làm gì mắc lòng ai đâu mà họ nói những lời cay độc với mụ như thế. Mụ xót đau cho thân phận mình, thân phận của người cô thế, của kẻ đang gặp những cảnh ngộ không may. Miệng lưỡi thế gian mà! Có ai thương mụ đâu? Nếu có cũng chỉ là chót lưỡi đầu môi cho qua chuyện. Bây giờ họ đã về hết. Chỉ còn lại mụ cùng với Rớt đang nằm trên giường đằng kia. Rớt đã mê mệt. Hơi thở của cô lúc nhanh, lúc chậm. Mụ cảm thấy lo lo cho Rớt. Không biết nó có mệnh hệ gì không? Nhưng rồi mụ lại nghĩ từ ngày nó xấu thì nó chẳng ốm đau gì cả. Càng xấu như quỷ, nó càng khoẻ ra. Bệnh tật như tránh xa nó. Mụ lại yên tâm về Rớt. Rồi mụ nhìn chiếc tủ đứng. Rồi nhìn những mảnh gương vụn nát, mụ thầm tiếc: “Con mụ Rớt thật là đồ quỷ. Ăn hại thật! Không biết bao giờ mình đủ sức mua lại tấm gương đây? Của trăm ngàn chứ đâu phải ít”. Mụ tặc lưỡi tiếc. Mắt mụ nhìn Rớt nằm ở giường kia. Rồi mụ nhìn khắp căn phòng. Vẫn không gian này, mụ và Rớt từng ngồi chung bàn ăn cơm với nhau. Vẫn đằng kia là bộ bàn ghế mụ sắm để có chỗ tiếp khách. Và đằng kia nữa, chiếc ti vi như nằm im bất động, như thể không cất nổi tiếng nhạc, cất nổi lời ca. Chiếc ti vi ấy là cái giúp mụ cùng Rớt xem phim, để rồi cả hai bàn bạc. Hai người đã từng ao ước có cuộc sống an bình như những phim truyện được chiếu hằng đêm. Nhưng rồi, cuộc sống của họ như thể là trả cái nợ ở kiếp nào đó. Mụ thở dài.
Mụ ngây người nhìn những mảnh gương trên nền nhà. Mụ ao ước có ai đó giúp mụ hàn gắn những mảnh gương vụn vỡ như cám kia. Ước gì có bà tiên nào đó thương mụ, hoá phép làm cho tấm gương lành lặn thì hay biết mấy. Nhưng ao ước chỉ là ao ước, có ai giúp được mụ. Những mảnh gương vụn vỡ như thể trái tim mụ tan ra như cát. Mụ nhìn chúng mà ngẫm nghĩ về cuộc đời của mụ. Không lẽ đời mụ như mảnh gương vụn vỡ. Không lẽ rồi đây, đời mụ tan nát như là số phận bởi bàn tay của Rớt.
Những mảnh gương vỡ như trêu tức mụ. Không lẽ chúng nằm miết trên nền nhà sao? Cuối cùng, mụ cũng đi kiếm chổi quét chúng. Mụ vừa khóc vừa quét. Mụ than cho số phận của mụ không có số giữ của. Mụ chửi Rớt, mụ chửi mụ. Mụ chửi cả mụ đàn bà nào đó ở trong gương đã hành hạ Rớt để đến nỗi cô phải đập vỡ tấm gương. Có phải thật sự mụ già nào ở trong gương. Hay là nhà mụ có ma? Con ma nào đã ám ảnh Rớt mới được chứ? Ma có thể biến ra nhiều thứ trên đời, mụ đã nghe nhiều người kể như vậy. Không lẽ tấm gương mụ mua ở tiệm về lắp vào cái tủ đứng là con ma nào đó hoá hình. Ôi, thế thì khiếp quá! Con ma đã vụn vỡ trên nền nhà. Mụ phải quét nó ra khỏi nền nhà mới được.
Chiếc tủ đứng vỡ tấm gương, chỉ còn trơ bộ xương gỗ sần sùi. Nhờ tấm gương mà nó có vẻ đẹp thêm ra. Còn cô Rớt thì nằm trên giường kia thì lại khác. Cô nhờ tấm gương mà thấy rõ bộ mặt quỷ quái của mình.
Mụ chủ nhà ném cây chổi vào góc nhà, thở dài: “Thật là oan nghiệt cho tôi! Tiền mất vô cớ. Trời ơi là trời!”
Mụ nhìn Rớt nằm im như xác chết, mụ ớn lạnh. Dù biết Rớt ngày càng khoẻ ra, nhưng mụ vẫn thấy sợ lỡ có mệnh hệ nào thì khổ. Mụ sợ Rớt chết. Mụ rón rén lại cạnh giường Rớt.
Rớt mở trừng đôi mắt nhìn mụ. Trời ơi, mụ không thể tin được! Trước mắt mụ là chiếc đầu lâu của con quỷ cái. Đôi mắt ấy như nhìn thấu rõ mụ. Nhưng bỗng nó dịu hẳn những tia máu, chỉ còn sự van lơn, cầu khẩn. Từ trong cái miệng của chiếc đầu lâu ấy phát ra âm thanh từ cõi mơ hồ nào đấy.
- Nước!... Nước!...
Mụ chủ nhà nhìn chiếc đầu lâu, rủa:
- Im đi!
Chiếc đầu lâu như ngây ra, giọng khản đặc:
- Cho tôi tí nước, tôi chết mất!
Cực chẳng đã mụ chủ phải lấy nước. Bưng ly nước đưa Rớt, mụ nói:
- Đây, nước lạnh đây. Hết nước nóng rồi.
Cả thân hình Rớt động đậy. Cô trở mình. Cô cố chống khuỷu tay, nâng mình lên, đưa cái miệng với làn môi đen tái như miếng thịt trâu bị ươn, hớp những giọt nước. Mụ chủ giục:
- Uống nhanh lên đi! Không lẽ mày bắt tau hầu hạ mày sao?
Đưa đôi mắt mệt nhọc, Rớt phều phào:
- Xin bà thương tôi! Bà không thấy tôi sao?
Mụ chủ tức nói:
- Thấy rồi, thấy mày phá nhà tau. Mày còn phá gia sản này bao lâu nữa?
Rớt liếm môi cho đỡ khô miệng, van xin:
- Tôi xin bà. Hãy để tôi yên! Tôi mệt quá rồi.
Mụ chủ bực mình nói:
- Mày có để tau yên đâu. Hết đau rồi mày có cút đi đâu thì cút.
Rớt khóc to, nói:
- Xin bà thương tôi!
Rớt xoè đôi bàn tay của mình ra cho mụ chủ thấy, giọng xót xa:
- Máu, máu của mụ quỷ ở trong gương đó bà thấy không? Máu, máu của tôi đó, bà thấy không? Còn mặt của tôi sao mà đau nhức thể hở trời?... Tôi đã giết quỷ giúp bà, mà bà oán tôi sao?... Thôi! Xin bà thương tôi, bà đừng nói nữa!... Hãy để cho tôi yên!
Nói xong, Rớt nằm phịch lại giường, nằm thở.
Nhìn Rớt, mụ chủ chửi:
- Con quỷ!
Mụ đem cất chén nước. Để mặc Rớt nằm thở trên giường, mụ đi lên đi xuống. Nhưng rồi cái chân của mụ như có vấn đề. Mụ cảm thấy ê ê ở chân. Có lẽ là do mụ vật với con Rớt nên mới ra cớ sự như vậy. Mụ tìm chỗ ngồi để bóp cái chân đau. Bóp chân chán chê, mụ ngồi nhìn chiếc tủ đứng. Mắt mụ như dán chặt vào chiếc tủ. Mụ nhìn trân trân cái tủ, tiếc của. Ngồi một lúc, mụ cảm thấy mỏi lưng, bèn nằm xuống nghĩ. Khi ngồi, đầu óc mụ chỉ thấy toàn sự bực tức, đến lúc nằm xuống giường, mụ thấy sự bực tức biến thành sự suy nghĩ vẩn vơ. Rồi mụ nghĩ lung ta lung tung, chẳng biết đâu là đúng, là sai. Mệt quá! Cơn buồn ngủ đến với mụ...
Mụ tên thật là Nguyễn Thị Ba. Trước đây, mụ sống ở Quảng Nam , vì cuộc sống mụ ra Đà Nẵng làm ăn. Mụ làm nghề bán bánh bèo, vì thế bọn trẻ con, kể cả người lớn gọi mụ là “bà Ba bán bánh bèo”. Nhiều lần mụ gánh bánh bèo đi rao bán, bọn trẻ con bu quanh mụ, hát ghẹo. Mặc dù mụ không làm bánh bèo bằng bắp, thế nhưng mụ vẫn nghe tiếng hát chọc ghẹo: “Bà Ba bả bán bánh bèo bằng bột bắp, bị bộ binh bắt bả bỏ bị. Bả bỏ bán bánh bèo, bả bán bánh bò..., bả bò, bả bò...”
Mới đầu nghe bọn trẻ ghẹo, mụ tức không thể chịu được. Mụ tức những kẻ đã sinh ra bọn trẻ. Không biết người ta ăn gì mà sinh ra trẻ con nghịch ngợm? Mụ chưa hiểu được hết cái tính của lũ trẻ, nên nhiều khi đặt gánh xuống, cầm chiếc đòn gánh, quần xắn quá gối, mụ hét, mụ chửi, mụ rủa: “Bọn quỷ sứ! Chết xuống âm phủ, bọn bây bị Diêm Vương cắt lưỡi hết, không chừa đứa nào đâu”. Bọn trẻ con thấy mụ chửi thì ra chiều thích thú. Chúng cũng lên tay xuống ngón, cười hét phụ hoạ giọng điệu cùng mụ: “Chết xuống âm phủ bị Diêm Vương cắt lưỡi hết. Diêm Vương cắt lưỡi hết”.
Rồi dần dần, lời hát ghẹo ấy quen với mụ. Mụ thích thứ âm thanh trẻ con ấy. Mụ tin nhờ thứ âm thanh ấy mà mụ bán được bánh bèo. Mỗi lần nghe bọn trẻ hát là mụ bán mau hết. Mụ tin thứ âm thanh của bọn trẻ luôn mang lại niềm may cho mụ như người ta tin trong ngày Tết, trẻ con ị ra từng đống ở nhà một ai đó là đem cái hên đến cho họ. Và quả thật mỗi khi lời hát ghẹo của bọn trẻ cất lên, chắc chắn mụ bán bánh bèo được nhiều. Chả là bọn trẻ con thích bánh bèo của mụ. Mà sức ăn hàng của con trẻ thì phải biết! Nhìn bọn trẻ con vừa ăn vừa hát ghẹo toàn là âm “bờ”, mụ thấy thích. Nhiều khi bọn chúng chỉ ăn mà không hát, mụ lại năn nỉ chúng hát. Bọn trẻ con cũng tinh ma không kém, chúng bắt mụ phải thêm bánh bèo, trả công hát cho chúng. Mụ cười mắng: “Tổ cha bay! Bọn bay quỷ thật! Đây này, ăn rồi hát đi!”. Và tiếng hát của bọn trẻ gắn liền với nghề nghiệp của mụ.
Mụ tự hào về nghề bán bánh bèo. Mụ cho rằng chỉ có mụ mới đem lại tiếng hát cho bọn trẻ, chỉ có mụ mới làm cho bọn trẻ ăn ngon miệng. Mà quả thật như vậy. Vắng bóng mụ - những lúc mụ ốm đấy mà - bọn trẻ không còn hát ghẹo ai nữa. Bọn chúng buồn xo. Không có “bà Ba bánh bèo” thì bọn chúng không no bụng. Và khi mụ xuất hiện với đôi gánh trên vai, tiếng cười của bọn trẻ lại vang lên. Bọn trẻ lại tủa ra bu quanh mụ, vừa ăn, vừa hát. Vẫn vang lên tiếng hát đồng dao của lũ trẻ về bà Ba bả bán bánh bèo bằng bột bắp, bị bộ binh bắt bả bỏ bị. Bả bỏ bán bánh bèo, bả bán bánh bò, bả bò, bả bò...
Mụ nhớ lại tuổi thơ của mụ. Đâu được như bọn trẻ bây giờ. Khi còn chiến tranh, tuổi thơ của mụ gắn liền với tiếng súng, với đạn bom. Chỉ có những lần chạy trốn, chỉ có cái đói, chỉ có cái ốm o gầy guộc như con chim sẻ mới nở bị mưa, bị chết mẹ. May mà mụ còn trên cõi đời này. Mụ không nhớ hết những cực nhọc, khổ sở, có lẽ mụ không hình dung được hình thù của cuộc sống thời thơ ấu. Tất cả chỉ loáng thoáng trong đầu mụ, loáng thoáng như đám mây buổi trưa hè, loáng thoáng như cái bóng mỏng manh của tàu lá chuối vào đêm trăng, loáng thoáng như một bóng chim đêm. Rồi mụ cũng lớn lên như bao người khác như là quy luật của cuộc đời. Quá khứ tuổi thơ, kể cả thời con gái của mụ cũng trở nên mờ nhạt. Mụ cũng muốn quên quá khứ. Nhưng, làm sao mụ quên được khi mụ trở thành đàn bà. Cái giây phút thần tiên ấy ngọt lịm trong lòng mụ. Và rồi nó đi với cuộc đời mụ. Mụ không thể quên, dù mụ muốn quên...
Nói, mụ chưa chồng cũng được, có chồng cũng được. Mà có những hai đời kia. Mụ chửa hoang với hai người đàn ông. Có con. Đứa đầu là con gái, chết. Mụ lại thèm có con nên lấy đại. Lần sau là con trai, lại cũng chết. Mụ nghĩ số kiếp mụ không thể nuôi con được, nên từ đó, mụ quyết ở vậy. Mụ không thèm nói chuyện tình với đàn ông, dù hằng đêm, nhất là khi trời lạnh, cơ thể mụ thèm đàn ông ôm cái lưng, để mụ ủ đôi chân vào chân họ, để mụ yên ngủ, rồi cùng họ rủ rỉ tâm tình và nhất là cùng họ ôm ấp chuyện gối chuyện chăn.
Một bữa nọ, khi bán xong bánh bèo, mụ ghé chợ mua ít thuốc lá, và mua ít hương đèn, hoa quả để cúng. Đã đến rằm tháng mười. Rằm tháng mười, mười người mười quảy mà! Dẫu túng thiếu, mụ vẫn sắm đầy đủ lễ vật. Cầu mong Trời Phật phù hộ cho mụ sống an bình.
Trên đường về nhà, lòng mụ vui sướng. Mụ nghĩ ông bà, Trời Phật còn thương mụ, cho mụ khoẻ mạnh để làm ăn. Mụ biết có nhiều người có tiền, có của đó, nhưng ốm đau thường xuyên thì cũng chẳng sướng gì. Đi bán bánh, mụ cũng thấy nhiều người bạc tỷ mà con cái chẳng ra gì, cũng khổ! Có kẻ nhà đất khang trang, nhưng con cái đòi bán để chia, lại làm khổ mẹ cha. Lại có người bình thường, lại sướng. Mụ chỉ cười khi nghĩ về người này, người nọ. Rồi mụ nghĩ đến người sống, sao có người sướng, người khổ. Rồi mụ lại nghĩ đến người chết, cũng có người khổ, người sướng. Mẹ của mụ giờ đã mất rồi. Nhưng lâu lâu mụ vẫn nhớ về mẹ. Bà cũng chẳng sướng gì khi còn sống. Mụ cảm thấy thương thương mẹ. Nước mắt mụ giờ đâu còn để mà khóc mẹ. Nhưng lòng mụ vẫn có chút xốn xang. Mụ nhớ nhiều lần mẹ mụ đã an ủi mụ khi mụ đòi cái áo mới: Con à! Mình nghèo thì làm gì có tiền may áo mới. Con buồn, mẹ vui được sao? Nhưng ở đời hơn nhau tấm áo manh quần, cỡi ra bóc trần ai cũng như ai, con à! Với lại có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời đâu con. Mụ cũng ầm ừ khi mẹ nói vậy.
Vừa đi vừa nghĩ mông lung giữa hiện tại, quá khứ, may mà mụ chưa đụng ai dọc đường. Mụ đến nhà khi nào chẳng hay.
Đẩy cửa bước vô nhà, mụ đã nghe tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc lạc cả giọng. Con nít ở đâu mà có trong nhà mụ? Tiếng khóc dội vào tai mụ. Mụ đến với tiếng khóc đó. Trời, một con bé. Một con bé đẹp làm sao! Da trắng, môi đỏ, mắt đen, đẹp làm sao! Ôi, con nhà ai vậy cà ?
Mụ dò la khắp cả làng, cả xóm, nhưng chẳng có ai là cha mẹ của đứa bé cả. Có lẽ nó là con của ai đó không có sức nuôi, nên mới đem bỏ vào nhà mụ. Mụ hiểu được một phần, khi thèm đàn ông thì đàn bà quên cả trời trăng mây gió. Rồi bụng mang dạ chửa là chuyện thường tình. Rồi có con ngoài dự tính, nên đem con bỏ đại cho ai đó nuôi! Mụ đã trải qua những cơn thèm đàn ông, mụ hiểu mà. Cũng có thể nó là đứa mà mẹ đẻ nó chẳng mong nó ra đời trong một phút giây nông nổi của tuổi trẻ. Và biết bao nhiêu chuyện về sự ra đời của nó mà mụ tưởng tượng ra... Mụ đi khắp làng trên, xóm dưới tìm người nuôi nó. Nhưng chẳng có ai nhận nuôi cả. Thế rồi, mụ phải nuôi nó như là duyên nợ. Nó trở thành con của mụ. Mụ tự an ủi là Trời Phật thương mụ, cho mụ đứa bé này. Số phận mụ phải nuôi thì cứ nuôi chứ trách ai được. Mụ thắp hương cầu khấn ơn trên phù hộ cho mụ, cho con bé.
Kể từ đó, mụ tất bật hơn. Bán bánh bèo. Chăm sóc đứa bé. Cũng lạ, đứa bé như biết số phận, nó chẳng quấy rầy mụ là bao. Càng chăm đứa bé mụ càng thêm yêu nó. Thật là kỳ diệu cho tình cảm của con người. Gần nhau, chăm sóc cho nhau thì tình cảm bén với nhau. Nhiều khi mụ nghĩ, mụ một thân một mình lo chưa xong, giờ thì lo thêm cho con bé, nên sợ nó khổ. Mụ muốn tìm cho con bé một chỗ nào đó nương thân, nhưng mụ thấy thương con bé, chẳng muốn xa nó. Âu, cũng là số phận cả thôi. Từ đó, mụ thương nó như con, và quyết định coi nó là con. Mà đã là con rồi thì mụ phải lo cho nó nhiều thứ. Đâu chỉ lo cho nó ăn. Còn phải sắm sửa áo quần cho nó. Rồi chuyện học hành, chuyện nghề nghiệp. Chuyện chồng, chuyện con của nó ở tương lai nữa. Nghĩ vậy, mụ bắt đầu vun vén, làm nhiều bánh bèo để bán. Phải tạo vốn cho nó khi nó lớn lên chứ. Nó là con của mụ kia mà.
Đứa bé càng lớn càng xinh đẹp. Ai cũng khen mụ có phước, có đức, có đứa con gái xinh đẹp mà lại hiền nữa chứ. Con gái xinh đẹp lại hiền nữa, ai mà không thích. Ai cũng trầm trồ trước sắc đẹp của nó. Nhưng! Ở đời cũng tại chữ nhưng...
Năm nó mười lăm, mười sáu tuổi gì đó, đột nhiên, trong một cơn giông gió, sét đánh đầy trời, rồi gương mặt nó!... Ôi, thật thế sao? Mụ đâu quên được cái lần làm đảo lộn cả cuộc sống của mụ...
- Mụ là ai? – Mụ Ba đã hỏi người đàn bà trong nhà mụ, khi mụ đặt gánh bánh bèo xuống nền nhà.
- Mẹ!... - Người đàn bà đã khóc - Mẹ! Mẹ! Con là Rớt đây. Con Rớt của mẹ đây!
Mụ Ba lo lắng hỏi:
- Mày là ai mà dám nói là con Rớt? Con Rớt của tau xinh đẹp kia mà.
Người đàn bà kia khóc òa:
- Mẹ, con là Rớt đây! Là Rớt của mẹ đây. Mẹ không tin sao? Con là Rớt của mẹ đây! Con là Rớt thiệt mà!
Mụ Ba nắm cổ áo người đàn bà, quát:
- Không thể như thế được! Con Rớt của tau đâu? Mày đã giết nó, quẵng xác nó ở đâu?
Người kia ôm mặt khóc:
- Mẹ không tin con sao? Con là Rớt thiệt mà.
Mụ bâng khuâng, nói:
- Con Rớt của tau mắt phụng mày ngài, môi đỏ như son, da trắng như ngà, tóc đen mượt. Đẹp như tiên. Còn mày... Mày mà là con Rớt à?
Người kia vẫn khẳng định:
- Chính con là con Rớt của mẹ đây!
Rồi nó kể, nó kể... Đúng là con Rớt của mụ. Mụ ôm nó, nói:
- Ôi! Con của tôi đây sao?
Mụ khóc. Mụ khóc...
Mụ chợt tỉnh giấc. Nước mắt ướt cả gương mặt mụ. Mụ đã khóc thật sự.
Giờ, mụ nghe rõ tiếng thở khó nhọc của Rớt ở giường bên. Trong đêm tối mụ thấy sợ. Mụ vội ngồi dậy bật đèn. Ánh đèn làm căn phòng sáng lên, nhưng hình như mụ cảm thấy không đủ sáng như thường ngày. Căn phòng như chập chờn. Chiếc tủ như trêu tức mụ. Một mảnh gương còn đọng sót lại, dính trên chiếc tủ. Mụ lại gần nhìn mảnh gương ra chiều tiếc rẻ. Hình mụ loáng thoáng trong gương. Cũng còn một mảnh gương để soi. Thế cũng tạm.
Tiếng thở của Rớt nặng nhọc. Nó là con gái nuôi của mụ, ai cũng biết vậy. Từ khi gương mặt nó biến dạng, thì tình cảm của mụ với nó cũng dần dần nhạt phai như thể rằng chẳng có gì mặn nồng mãi với thời gian.
Ước mơ của mụ tan theo mây khói từ cơn giông gió sét đánh đầy trời năm nào. Mụ đã từng mong con Rớt mau lớn. Với sắc đẹp của nó, mụ sẽ gả chồng cho nó vào chỗ giàu có, rồi mụ được làm sui làm gia với chỗ giàu có. Ôi, mơ ước! Với sắc đẹp ấy, chắc chắn con mụ sẽ ở trong một tòa nhà đẹp đẽ, sang trọng. Và mụ sẽ được trở thành mẹ của đứa con gái đẹp giàu. Nhiều lần, mụ tưởng tượng, khi tuổi già sức yếu, con gái mụ sẽ chăm sóc mụ, lo lắng cái ăn, cái ngủ cho mụ. Mỗi khi đi đâu về, Rớt đều mua sắm quà cho mụ và hai đứa con của nó. Nghe giọng Rớt nói với con nó mà mụ mát cả ruột gan: “ Hai đứa bay biết không? Nhờ ngoại mà mẹ được sống đến giờ. Không có ngoại thì không có hai đứa bay đâu!”. Cháu ngoại mụ ôm cổ, bá vai, đòi mụ kể chuyện ngày xưa, đòi mụ hôn má chúng. Mụ sướng cả người. Hai đứa cháu mở to mắt, dỏng tai, bu quanh, nghe mụ kể cái thuở mụ đi bán bánh bèo, nhưng nhờ có âm đức, mụ gặp mẹ chúng, mụ trở thành người giàu sang. Mụ kể, kể cho cháu ngoại biết mẹ của chúng là nàng tiên, là công chúa, là nữ hoàng. Bọn trẻ thích chí vỗ tay, rồi ôm hôn mụ. Chưa bao giờ mụ thấy hạnh phúc như thế. Chắc gì ai hạnh phúc hơn mụ? Nghĩ thế mụ lấy làm mãn nguyện về mình như thể nhiều người đã từng mãn nguyện về con về cháu lúc về già.
Thế nhưng, con Rớt của mụ trước cơn giông gió sét đánh đầy trời đâu còn nữa! Trên giường, tiếng thở mệt nhọc là của Rớt, của con quỷ cái. Mụ lại khóc. Mụ khóc cho thân phận mụ và khóc cho cả thân phận Rớt. Hạnh phúc của những giấc mơ ngày nào đâu còn? Mụ mơ ước, cầu mong gì được nữa đây? Chút ước mơ tầm thường giờ cũng chưa chắc đến với mụ! Đâu rồi con Rớt của mụ ngày xưa? Đâu rồi mơ ước của mụ ngày qua?
Mụ lại giường nằm. Mụ không dám tắt đèn. Đêm nay, sao mụ thấy sờ sợ...
Bóng đêm hôm nay, với mụ, sao giống cái đêm hai đứa con đã bỏ mụ. Một cơn lạnh kéo dài từ đầu chạy xuống sống lưng, rồi từ sống lưng chạy lên đầu. Cơn lạnh chạy khắp thân thể mụ. Mụ đâu quên được cái bóng đêm của hai lần trước. Mụ ngồi bên xác con. Khóc! Cười! Và cái bóng đêm quái gở đó thổi mùi tử khí vào da thịt mụ, vào hơi thở mụ. Mụ thấy rõ trước mắt mình bóng đêm đến cướp mất hạnh phúc làm mẹ của mụ. Mụ kêu to:
- Hãy trả con lại cho tôi! Hãy trả con lại cho tôi! – Mụ đã hét trước bóng đêm. Bóng đêm cười:
- Ha... ha... Trả con cho mày ư? Chúng thuộc về ta rồi. Chúng là của ta rồi. Ta không trả cho ngươi đâu.
Mụ đấm vào bóng đêm:
- Con tôi là của tôi. Sao ông lại bắt chúng đi?
Bóng đêm cười:
- Đó là nhiệm vụ của ta.
Mụ nói nói trong tiếng khóc đầy tức tối:
- Nhiệm vụ! Ai giao nhiệm vụ đó cho ông? Hãy trả con lại cho tôi!
Bóng đêm cười to hơn như khẳng định vai trò giết người của mình:
- Ai giao à? Trời trao nhiệm vụ đó cho ta. Ta chẳng trả chúng lại cho ngươi đâu.
Mụ khóc tức tưởi:
- Sao ông cướp quyền làm mẹ của tôi? Hãy trả con tôi lại cho tôi! Tôi muốn được làm mẹ!
Bóng đêm dứt khoát:
- Ta không trả gì cả. Đó là nhiệm vụ ta. Ngươi liệu hồn đấy!
Nghe thấy thế, mụ tức, mụ gầm lên thách thức:
- Tôi sợ ông à? Hãy giết tôi liền đi! Hãy giết tôi để tôi được sống bên con tôi. Tôi không sợ chết đâu.
- Rồi sẽ tới phiên ngươi thôi. Đừng thách đố ta như thế!
Mụ hét:
- Giết tôi đi! Giết tôi đi! Tôi muốn được ở bên con tôi!
Bóng đêm cười khẩy:
- Đâu dễ thế. Ngươi phải sống! Nghe rõ chưa? Sống để thấm thía cảnh đời. Ngươi phải sống!
Mụ hét lớn:
- Không tôi muốn chết. Tiếng la ú ớ trong miệng mụ phát ra. Rồi màn đêm im bặt trong tiềm thức mụ. Mụ bắt đầu ngáy...